Tin nổi bật
Từ mục tiêu tổng quát Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đến nhận thức và hành động của giai cấp công nhân - Công đoàn tỉnh Đắk Nông (29.12.2020 08:03)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.
1. Từ nhận thức Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
Là thành tố của hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng nòng cốt, tiên phong trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tỉnh nhà, giai cấp công nhân - Công đoàn tỉnh Đắk Nông luôn nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình đối với cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong tỉnh; quan tâm sâu sắc đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là Nghị quyết Đại hội - Chiến lược, quyết sách quan trọng để phát triển tỉnh nhà trong nhiệm kỳ mới. Nghiên cứu Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đoàn viên, người lao động vui mừng trong 7 nhóm chỉ tiêu, với 21 chỉ tiêu cụ thể, có 14/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (thu ngân sách, giao thông, trồng rừng, nông thôn mới, lao động và việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng thủy lợi, cấp điện, nước sinh hoạt, phát triển đảng, hoạt động của tổ chức đảng). Tốc độ tăng trưởng kinh tế nội tỉnh (GRDP) duy trì ổn định và bền vững, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng và huy động được tiềm năng vào tăng trưởng, đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, chưa phát triển. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đươc chú trọng. Các nguồn lực tài nguyên từng bước được quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn, nhất là đất đai, khoáng sản. Huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng; tăng cường, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung hoàn thiện các công trình trọng điểm và hạ tầng giao thông, thủy lợi. Quy mô giáo dục - đào tạo được mở rộng; hoạt động khoa học, ứng dụng công nghệ có chuyển biến tích cực. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới công tác y tế cơ sở được chú trọng. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống tiếp tục được đẩy mạnh. An sinh xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại được đẩy mạnh. Xây dựng đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, Đắk Nông vẫn là tỉnh nghèo, nhỏ bé, xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng còn khó khăn, nhiều chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chỉ số canh tranh cấp tỉnh nằm ở nhóm thấp trong cả nước.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đảng đoàn lãnh đạo Ban Thường vụ, các ban Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền Nghị quyết Đại hội trên Trang Thông tin điện tử, trên nhóm Zalo, Facebook công đoàn, văn bản chỉ đạo đến các cấp công đoàn trong tỉnh. Triển khai xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết gắn với Nghị quyết Đại hội IV Công đoàn tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Thông qua phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng trong công nhân - đoàn viên, người lao động vì một tỉnh Đắk Nông giàu đẹp, nghĩa tình.
2. Đến hành động của Công đoàn tỉnh Đắk Nông
Làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, tổ chức các hoạt động xã hội. Chủ động, tích cực thực hiện việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Đẩy mạnh việc thương lượng, ký kết, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chế độ, chính sách liên quan người lao động. Tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; phối hợp chính quyền, các ngành chức năng, doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi người lao động. Nâng cao chất lượng công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm điều kiện làm việc, lao động của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Phát triển lợi ích đoàn viên thông qua các chương trình ưu đãi; quan tâm chăm lo xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đoàn viên và người lao động. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ tương trợ, Quỹ Vì đoàn viên công đoàn nghèo, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội nhằm nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn.
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền đồng cấp xử lý những vấn đề, diễn biến mới trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Làm tốt công tác tư tưởng đoàn viên, người lao động diện dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức của CNVCLĐ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bệnh bạch hầu, tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là chống dịch thành công và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở; tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, đoàn viên, người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ; phân định nhiệm vụ của mỗi cấp công đoàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; đổi mới cách thức đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở đi đôi với tăng cường quản lý đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công, góp phần chăm lo, xây dựng lực lượng nữ công nhân, viên chức, lao động ngày càng lớn mạnh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác nữ công; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công công đoàn các cấp để làm tốt vai trò tham mưu cho ban chấp hành công đoàn cùng cấp về công tác vận động nữ CNVCLĐ và thực hiện bình đẳng giới.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện phương châm hướng về cơ sở, công đoàn cơ sở là địa bàn hoạt động, đoàn viên, người lao động là đối tượng phục vụ; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn./.
Trọng Nhương
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: