Tin nổi bật
Giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (29.11.2022 08:55)
Ngày 09/01/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) là tiền đề quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Toàn cảnh hội nghị
Nhận thức tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện; hàng năm chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện QCDC tại các cơ quan, đơn vị. Năm 2022, có 636/641 cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, đạt tỷ lệ 99%. Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đã phát huy dân chủ ở các cơ quan, đơn vị; vai trò của công đoàn cơ sở trong việc tham gia với người đứng đầu cơ quan, đơn vị bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; đóng góp ý kiến hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; phối hợp phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tổ chức công đoàn; thông qua hội nghị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị lắng nghe ý kiến đóng góp, cũng như giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức.

Hội nghị biểu quyết chỉ tiêu
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế, như: Việc triển khai thực hiện QCDC ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức; nội dung hội nghị chưa sát thực tế hoạt động của cơ quan, đơn vị; các nội dung cơ quan, đơn vị phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức được biết còn chung chung chưa cụ thể so với các quy định của Luật tiếp cận thông tin năm 2016, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP, ngày 23/01/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật tiếp cận thông tin; một số nơi việc thực hiện dân chủ chưa được người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm, chưa lắng nghe ý kiến, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp; một số nơi cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tâm lý ngại va chạm, chưa dám phản ánh, kiến nghị, còn xem việc thực hiện QCDC ở cơ sở là trách nhiệm của cơ quan, đơn vị; vai trò giám sát của ban thanh tra nhân dân ở một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy chức năng, nhiệm vụ, hoạt động còn mờ nhạt, hiệu quả thấp.

Tập huấn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan
hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập
Để việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập ở cơ sở trong thời gian tới đạt kết quả, tổ chức công đoàn cần phát huy vai trò trong việc phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện một số nội dung, như: Hàng năm, chủ động phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, những việc công khai, những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến và những việc cán bộ, công chức, viên chức được giám sát, kiểm tra theo Điều 7, Điều 9, Điều 11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò giám sát trong việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nhân dân có chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật, kỷ năng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Với những kết quả đạt được và vướng mắc, hạn chế nêu trên, có thể nói việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập là nhân tố quyết định tạo sự đồng thuận trong mỗi cơ quan, đơn vị. Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những vướng mắc, hạn chế các cấp công đoàn cần phối hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp, như sau:
1. Ban chấp hành công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị tuyên truyền, giáo dục, học tập và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương về dân chủ được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, để cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin, nhất là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 01/2016/TT-BNV, ngày 13/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP.
2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện các nội dung QCDC ở cơ sở. Việc thực hiện QCDC gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; thực hiện Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xác định việc tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy.
3. Thực hiện nghiêm nội quy, quy chế, quy định về việc tham gia góp ý của cán bộ, công chức, viên chức đối với người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tiếp thu ý kiến góp ý theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
4. Phát huy vai trò của công đoàn trong việc phối hợp với người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân; bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nhân dân có chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật, kỷ năng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
5. Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phải xác định nhiệm vụ trọng tâm để tập trung triển khai nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn; thực hiện nghiêm việc công khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị; hàng năm, thông qua hội nghị các cơ quan, đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thi đua, khen thưởng, quy chế đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quy chế quản lý và sử dụng tài sản công, quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức theo Điều 4, Điều 6, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP.
6. Tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, mất uy tín, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, xử lý những cá nhân có hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức.
7. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ quan, đơn vị, gắn với trách nhiệm của từng cá nhân được phân công, phụ trách; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo và thành viên ban thanh tra nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, các cấp công đoàn cần vận dụng linh hoạt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội công đoàn các cấp đề ra.
Khương Minh
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: