`

Chi tiết tin Tin nổi bật

Công đoàn Đắk Nông - Quá trình xây dựng và phát triển (19.07.2022 09:55)

Công đoàn Việt Nam (CĐVN), tiền thân là tổ chức Công hội đỏ Bắc kỳ đư­ợc thành lập ngày 28/7/1929 tại số nhà 15, Phố Hàng Nón, Hà Nội. Kể từ khi ra đời đến nay, Công đoàn Việt Nam tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đại diện bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; tổ chức, vận động đoàn viên, người lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

93 năm qua (1929 - 2022) là chặng đường lịch sử vẻ vang của CĐVN. Với những tên gọi khác nhau để phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng như: Công hội đỏ (thời kỳ 1929 - 1935), Nghiệp đoàn ái hữu (1936 - 1939), Hội công nhân phản đế (1939 - 1941), Hội công nhân cứu quốc (1941 - 1946), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946 - 1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961- 1988) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 1988 đến nay. Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, CĐVN đã phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, với trọng tâm phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động”, “xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động. Qua đó đã khẳng định được vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh của đất nước.

Có thể khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử, đồng hành với sự phát triển của đất nước, CĐVN đã chứng tỏ là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần viết nên trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, của giai cấp công nhân và tổ chức CĐVN, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và Nhân dân.

Cũng như giai cấp công nhân Việt Nam, đội ngũ công nhân Đắk Nông ra đời cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, trên cơ sở tập hợp những người lao động từ mọi miền đất nước cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương, bị áp bức bởi chính sách nô dịch của đế quốc, phong kiến. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân lao động Đắk Nông bị bóc lột về kinh tế, áp bức về chính trị và phải đối mặt với thủ đoạn chia rẽ dân tộc của địch, điều kiện lao động vất vả, nặng nhọc ở các công trường, đồn điền, xí nghiệp được thể hiện qua câu ca dao tục ngữ:

“Cao su đi dễ khó về;

Khi đi trai tráng, khi về bủng beo…

Cao su xanh tốt lạ đời,

Mỗi cây bón một xác người công nhân”.

Và trong hoàn cảnh đó, dưới sự bóc lột, đày ải của thực dân Pháp đã sớm giúp họ thức tỉnh ý thức giai cấp, đoàn kết, tập hợp lực lượng nổi dậy đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Đó là một trong những thuận lợi cơ bản trong quá trình vận động, tập hợp công nhân, lao động đấu tranh chống thực dân Pháp.

Sự ra đời của đội ngũ công nhân ở Đắk Nông cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là hệ quả khách quan của chính sách cai trị, khai thác thuộc địa của thực dân Pháp trên vùng đất cao nguyên này. Chính thực dân Pháp hay nói đúng hơn là “giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”[1]. Từ đây, đội ngũ công nhân trên địa bàn Đắk Nông từng bước thể hiện vai trò của mình đối với tiến trình phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội ở vùng đất này và phong trào đấu tranh của họ góp phần vào thắng lợi chung của phòng trào công nhân Việt Nam, cùng với giai cấp công nhân cả nước bước lên vũ đài chính trị theo tư tưởng muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2].

Ngay từ những ngày đầu khi mới ra đời, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Đắk Nông đã phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, luôn đấu tranh quyết liệt với bọn thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Đội ngũ công nhân, lao động Đắk Nông dưới sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức công đoàn đã có nhiều hoạt động phong phú, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh đấu tranh giành chính quyền cách mạng trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngay sau khi giành được chính quyền, cùng với đồng bào các dân tộc, đội ngũ công nhân, lao động đã xây dựng Đắk Nông thành căn cứ địa vững chắc, là hậu cứ quan trọng, là địa bàn trọng yếu của hành lang chiến luợc Bắc- Nam, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi miền Nam đuợc hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ, đội ngũ công nhân, viên chức và người lao động đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đời sống nhân dân, từng bước khắc phục hậu quả của chiến tranh, đóng góp sức người sức của vào công cuộc truy quét, chống lại bọn FULRO, góp phần vào việc giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới và phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Trong công cuộc đổi mới, nhất là từ sau khi tỉnh Đắk Nông đuợc thành lập, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Đắk Nông đã phát huy tinh thần cách mạng tiến công, khắc phục mọi khó khăn cùng với chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng để góp phần vào sự phát triển bền vững của Đắk Nông. Nhờ đó, phong trào công nhân ngày càng lớn mạnh.

[1]  C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 605

[2]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.30.

LĐLĐ tỉnh Đắk Nông tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày CĐVN, năm 2019.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Đắk Nông có những chuyển biến tích cực về tổ chức hoạt động. Đến năm 2019, phát triển 831 đoàn viên, đạt 207%; thành lập 32 CĐCS, đạt 213 %. Có 9/12 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại tốt, đạt 75%. 100% liên đoàn lao động các huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý, những vấn đề liên quan nhằm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. 95,8% cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức hội nghị CBCC; 100% doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị người lao động, 47/80 doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động, đạt 58,7%. Các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động, các phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Công đoàn Đắk Nông đã thường xuyên đổi mới, nội dung, phương thức và tổ chức nhiều hoạt động mới đem lại hiệu quả thiết thực như Chương trình “Tết Sum vầy”, Chương trình "Mái ấm Công đoàn”, Chương trình “Vì đoàn viên công đoàn nghèo”; Quỹ “Quốc gia giải quyết việc làm”

LĐLĐ tỉnh Đắk Nông tổ chức Tháng công nhân năm 2022

Trong xu thế hội nhập để phát triển, nhiệm vụ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn là hết sức nặng nề, đòi hỏi cán bộ, đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn trong tỉnh cần phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa, chủ động, sáng tạo trong tổ chức hoạt động, đại diện chăm lo, bảo vệ  quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Chặng đường phía trước đang mở ra cho Công đoàn Đắk Nông nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển, nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những thách thức khi nước ta hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới và khu vực, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về thị trường lao động, việc làm, thu nhập; vị thế của tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của công nhân, viên chức, lao động và cán bộ, đoàn viên công đoàn Đắk Nông, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh, Công đoàn Đắk Nông nhất định sẽ khắc phục được những hạn chế, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, tổ chức động viên công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đề ra.

Trong thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn vững mạnh, kiện toàn tổ chức, cán bộ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thích ứng với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đội ngũ công nhân Đắk Nông cần được xây dựng vững mạnh hơn cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp của tỉnh. Các cấp công đoàn trong tỉnh cần tranh thủ sự lãnh đạo của tổ chức đảng cùng cấp, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể nhân dân, chăm lo nhiều hơn đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, viên chức, lao động; tổ chức động viên công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh hăng hái thi đua sản xuất, tiết kiệm, xây dựng đời sống mới, góp phần tô thắm truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam.

                                                             Phạm Lục

 

 


Bản in

Các tin khác

- Công văn số 1369/LĐLĐ-TG&NC, ngày 07/10/2022 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- Công văn số 1294/LĐLĐ-TG&NC, ngày 05/7/2022 về việc triển khai "Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam" năm 2022
- Thể lệ Cuộc thi viết "Vòng tay Công đoàn" lần thứ II
- Đắk Nông công bố danh sách người phát ngôn cho báo chí
- Thể lệ Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam”
- Thể lệ Giải Báo chí "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc"
- Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi ủng hộ khẩn cấp công nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19
- Thể lệ Cuộc thi viết "Vòng tay công đoàn"
- Trắc nghiệm Cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Kỳ thứ nhất: bắt đầu lúc 10 giờ ngày 15/6/2021 kết thúc lúc 17 giờ ngày 30/6/2021. rắc nghiệm Cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Kỳ thứ nhất: bắt đầu lúc 10 giờ ngày 15/6/2021 kết thúc lúc 17 giờ ngày 30/6/2021.
- Công văn phối hợp tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2021
- Công văn số 923/CV-LĐLĐ, ngày 07/6/2021 về việc tham gia giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII
- Triển khai cuộc thi trắc nghiệm trên Internet tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Đại hội XIII
- Viết bài tham gia cuộc thi” vòng tay công đoàn”
- Công điện số 06/CĐ-UBND, ngày 11/12/2020 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn với, phòng chống dịch Covid-19 trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Tân sửu và Lễ hội Xuân năm 2021 trên địa bàn tỉnh
- Từ 10/12: Bắt đầu bình chọn bài thi Video clip thể dục giữa giờ trong trong công nhân, viên chức, lao động

video video

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Thống kê truy câp:

.Hôm nay:
.Hôm qua: 1441
.Trong tuần:
.Tất cả: