Công đoàn cấp trên cơ sở
Y ĐỨC CỦA NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY (06.04.2023 07:22)
Nghề Y là 1 nghề rất đặc biệt và cao quý trong xã hội, đất nước ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng được nâng cao về chất lượng, con người quan tâm đến sức khỏe hơn và người ta càng nói nhiều đến đạo đức của người thầy thuốc.
Trong lịch sử, đã có rất nhiều quan niệm về y đức phù hợp với từng chế độ xã hội. 10 lời thề Hypocrates là quan điểm y đức được ghi nhân sớm nhất và phổ biến đến tận ngày nay, trong đó tinh thần chung là nguyên tắc cố gắng làm điều có lợi và không gây hại cho bệnh nhân.
8 điều răn của Hải thượng Lãn Ông lại thiên về xu hướng người thầy thuốc hy sinh bản thân để thực hiện thiên chức và không quan tâm đến lợi ích người thầy thuốc có hay không.
Quan niệm y đức của Hồ Chí Minh được thể hiện trong thư gửi cán bộ y tế năm 1955, Bác viết : “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú,. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe của đồng bào, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Quan điểm này nêu rất rõ: “Chính phủ phó thác việc chăm sóc sức khỏe nhân dân cho ngành y tế, còn quyền lợi của cán bộ y tế đã có chính phủ chăm lo”. Và thực tế, những giai đoạn đó, chính phủ đã làm rất tốt việc chăm lo cho cán bộ y tê, không chỉ no ấm, người thầy thuốc còn có phần thưởng là các danh hiệu “Lương y như từ mẫu”, “Nghề cao quý trong những nghề cao quý”.
Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông
Đến nay, nền kinh tế thị trường đã thay thế nền kinh tế bao cấp được hơn 30 năm. Việc thay đổi cơ chế xã hội đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa và ý thức xã hội, trong đó có lĩnh vực y đức.
Đa số cán bộ, nhân viên y tế đều nêu cao y đức, biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm tận tụy phục vụ, hết lòng chăm sóc người bệnh không quản khó khăn để bệnh nhân thấy được rằng người thầy thuốc Việt Nam vẫn đang thực hiện lời dạy của Bác Hồ bằng cả tấm lòng, đó là “Lương y phải như từ mẫu”.
Bên cạnh đó, tồn tại một bộ phận đáng kể những người hành nghề Y, Dược đã có sự suy thoái về y đức như đối xử thiếu công tâm với bệnh nhân, thiếu trách nhiệm hay là lạnh lùng vô cảm và coi việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân là làm cho có, làm vì lợi nhuận. từ những suy nghĩ lệch lạc đó dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng như bệnh nhân, người nhà bức xúc, bạo lực với thầy thuốc, nặng nề hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân và niềm tin của nhân dân vào ngành y tế giảm sút đáng kể.
Những trường hợp tiêu cực đó, ngoài nguyên nhân là sự suy thoái đạo đức lối sống hoặc quy tắc ứng xử chưa tốt ở 1 số cá nhân, nó còn do mặt trái cơ chế thị trường khi kinh tế đang là gánh nặng khiến nhân viên y tế chưa chuyên tâm, cách ứng xử của chính người bệnh cũng là 1 tác nhân gây ra tình trạng tiêu cực trong khám chữa bệnh, rồi thì vấn đề quá tải công việc ở các cơ sở y tế, đặc biệt là thời điểm đại dịch Covid-19 vừa qua, ảnh hưởng đến sức sức khỏe, tâm lý người thầy thuốc, và việc thiếu trang thiết bị làm hạn chế chất lượng khám cũng là 1 yếu tố không nhỏ làm ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân và người nhà.
Truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 như hiên nay, chỉ vài giây, có những vấn đề y tế dù chưa được kiểm chứng, nhưng có những tiêu đề “hot’ sẽ lan ra toàn quốc. cũng chỉ trong vài phút, vài giờ, những việc tốt, những câu chuyện thành công sẽ nhận được trăm, hàng ngàn lượt yêu thích chia sẻ. Và vấn đề “y đức” cũng sẽ bị cộng đồng mạng săm soi, mổ xẻ nhiều hơn. Bởi vậy, nếu muốn chúng ta vẫn duy trì tốt “Y đức” và muốn mọi người biết, sao chúng ta không thường xuyên chia sẻ những thành công tốt đẹp của ngành mình?
Y đức là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người làm ngành y – đội ngũ thầy thuốc chúng tôi luôn ghi nhớ và hứa sẽ cố gắng gìn giữ, phát huy. Nhưng thiết nghĩ, nếu muốn đưa chất lượng nền y tế lên cao, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong xã hội hiện nay, không thể chỉ hô hào đội ngũ y tế nâng cao y đức mà đòi hỏi phải có sự phối hợp toàn xã hội.
Nếu đạo đức là những quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh hành vi của con người và Y đức được coi là đạo đức của người thầy thuốc, thì đạo đức cũng là chuẩn mực để điều chỉnh hành vi, ứng xử cho tất cả các cá thể khác trong xã hội. Cuộc sống sẽ tốt lên, nhân văn và cao đẹp hơn khi tất cả mọi người, mọi công việc đều có sự chia sẻ, quan tâm lẫn nhau cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung là nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc cho con người.
Đi đôi với sự trau dồi về chuyên môn, y đức của người thầy thuốc thì các cấp lãnh đạo, quản lý, trong đó đại diện cho quyền lợi người lao động là Công đoàn cần quan tâm tới từng Đoàn viên, kịp thời thăm hỏi động viên, khen chê phù hợp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cán bộ công nhân viên chức và người lao động; tham mưu, phối hợp các cấp, các cấp tạo điều kiện hành nghề thuận lợi cho những cán bộ làm việc trong ngành y tế để họ yên tâm về cuộc sống mà đem tâm huyết và sức lực cống hiến công việc phục vụ chăm sóc người bệnh tốt hơn. Vì vậy, mỗi nhân viên y tế nói riêng và toàn ngành y tế nói chung, chúng ta quyết tâm thực hiện tốt 12 điều y đức, 10 điều dược đức, cùng nhau hướng tới sự hài lòng của người bệnh mỗi khi nhắc đến ngành y.
Bích Ngọc
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: