Liên đoàn lao động tỉnh
VỀ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG (25.12.2023 15:57)
Ngày 10/11/222, Quốc hội ban hành Luật số 10/2022/QH15 về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật quy định về tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đây là nội dung rất quan trọng trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bài viết này đề cập những nội dung, phần việc cơ bản trong tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giúp bạn đọc có thêm thông tin, góp phần tổ chức hội nghị tốt hơn.
Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị tổ chức. Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm công tác của cơ quan, đơn vị nhưng không chậm hơn 03 tháng của năm công tác tiếp theo do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định sau khi lấy ý kiến của Công đoàn cơ quan, đơn vị. Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tổ chức bất thường khi có 1/3 cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hoặc Ban chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị yêu cầu hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị thấy cần thiết.
Hội nghị Cán bộ, công chức cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông năm 2023
* Thành phần dự hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quy định, như sau:
a) Đối với cơ quan, đơn vị có tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ít hơn 100 người, thì tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm đ sau đây;
b) Đối với cơ quan, đơn vị có tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ 100 người trở lên hoặc có ít hơn 100 người nhưng làm việc phân tán trên địa bàn rộng hoặc vì lý do nghiệp vụ không thể bỏ vị trí làm việc, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị thống nhất với Công đoàn cơ quan, đơn vị quyết định thành phần tham dự hội nghị là toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc đại biểu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị;
c) Hội nghị được tổ chức hợp lệ khi có ít nhất là hai phần ba tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị hoặc ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu được triệu tập có mặt. Nghị quyết, quyết định của hội nghị được thông qua khi có trên 50% tổng số người dự hội nghị tán thành và nội dung không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội;
d) Đối với các cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc, khi tổ chức hội nghị có thể mời người đứng đầu và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn của các cơ quan, đơn vị trực thuộc nếu thấy cần thiết;
đ) Cơ quan, đơn vị có từ 07 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở xuống có thể tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nếu thấy cần thiết.
* Nội dung của hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bao gồm:
a) Kiểm điểm việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;
b) Kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước đó và những quy định về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị;
c) Đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch công tác hằng năm;
d) Tổng kết phong trào thi đua, xét khen thưởng và bàn, thống nhất nội dung thi đua năm tiếp theo; thống nhất nội dung giao ước thi đua;
đ) Thảo luận và quyết định các nội dung: (1) Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị. (2) Việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị ngoài các khoản đã được pháp luật quy định. (3) Nội dung nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. (4) Các công việc tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
e) Thực hiện các nội dung về công khai thông tin; lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về những nội dung: (1) Giải pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. (2) Kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị. (3) Tổ chức phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị. (4) Báo cáo sơ kết, tổng kết của cơ quan, đơn vị. (5) Các biện pháp cải tiến tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, phiền hà, sách nhiễu Nhân dân. (6) Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. (7) Thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. (8) Dự thảo quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị. (9) Dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị (nếu có). (10) Các dự thảo nội quy, quy chế khác của cơ quan, đơn vị. (11) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị.
g) Thực hiện các công việc khác theo quyết định của hội nghị.
* Trình tự tổ chức hội nghị được thực hiện như sau:
a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trình bày báo cáo về các nội dung quy định tại điểm a và điểm c phần nội dung hội nghị;
b) Đại diện Công đoàn cơ quan, đơn vị báo cáo về các nội dung quy định tại điểm b phần nội dung hội nghị; kết quả giám sát, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị;
c) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham dự hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị (nếu có);
d) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Công đoàn cơ quan, đơn vị tiếp thu, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với các nội dung thuộc thẩm quyền, bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, các biện pháp thực hiện kế hoạch công tác năm tiếp theo của cơ quan, đơn vị;
đ) Đại diện Ban Thanh tra nhân dân trình bày báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong năm và chương trình công tác năm tiếp theo;
e) Hội nghị quyết định các nội dung quy định điểm đ phần nội dung hội nghị
g) Tổ chức khen thưởng cá nhân, tập thể của cơ quan, đơn vị có thành tích trong công tác; phát động phong trào thi đua;
h) Ký kết giao ước thi đua giữa người đứng đơn vị với tổ chức công đoàn;
i) Thông qua nghị quyết hội nghị.
Riêng thực thiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước và thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước được quy định cụ thể tại Luật số 10/2022/QH15.
Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch công đoàn ký giao ước thi đua
Trọng Nhương
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: