tổng liên đoàn lao động vn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội nghị về tình hình chuẩn bị Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) (10.02.2023 07:17)
Chiều ngày 8/2, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội nghị về tình hình chuẩn bị Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và công tác phối hợp giữa hai cơ quan. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Nguyễn Đình Khang và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Nguyễn Thúy Anh chủ trì.
Hội nghị còn có sự tham dự của các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Đặng Thuần Phong, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thị Kim Thúy, Đỗ Thị Lan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Ngô Trung Thành; đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tổng LĐLĐ Việt Nam tích cực phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội trong những vấn đề liên quan đến NLĐ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, 2 cơ quan đã phối hợp rất chặt chẽ, trong nhiều hoạt động, nhất là các vấn đề liên quan đến NLĐ. Đồng thời, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã rất tích cực chia sẻ thông tin, đóng góp các ý kiến với Ủy ban Xã hội.
Tổng LĐLĐ Việt Nam hiện đang rất khẩn trương triển khai xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Dự kiến tháng 3/2022 sẽ gửi Hồ sơ tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024. Dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Bên cạnh dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), trong năm 2023, Ủy ban Xã hội còn được phân công: (1) Chủ trì thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); (2) tham gia 02 Đoàn giám sát tối cao về: (i) Việc quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và (ii) việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, về nông thôn mới và về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Định kỳ hằng năm, Ủy ban đều chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về: (1) Tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; (2) tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2022; (3) tình hình thực hiện bình đẳng giới….
Nhìn chung, từ trước đến nay, hầu hết các cuộc họp thẩm tra về các hoạt động này, Ủy ban Xã hội đều có Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia. Về cơ bản các nội dung trên đều liên quan tới NLĐ nên vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc góp ý kiến về các nội dung này là rất quan trọng.
Toàn cảnh Hội nghị.
3 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi)
Báo cáo về kết quả, tiến độ thực hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã gửi Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) xin ý kiến các cơ quan.
Các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm:
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn; cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện NLĐ.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 23 Bảo đảm về tổ chức, cán bộ theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức cho từng địa phương theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ đối tượng cán bộ công đoàn chuyên trách, theo đó, bổ sung sửa đổi làm rõ việc tuyển dụng, định danh và chính sách tiền lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập (Điều 4 Giải thích từ ngữ, Điều 23 Đảm bảo điều kiện hoạt động công đoàn). Quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam tại Điều 7. Sửa đổi Điều 14 theo hướng tách bạch quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam thành một quyền riêng mang tính độc lập, chủ động của Công đoàn theo hướng: “Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra; chủ động thực hiện quyền giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ”.
Chính sách 2: Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Theo đó sửa đổi, bổ sung quy định về phân phối kinh phí công đoàn. Sửa đổi, bổ sung quy định đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn. Bổ sung quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn.
Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019
Theo đó, sửa đổi Điều 1 (Công đoàn); bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung Điều 9 (Những hành vi bị nghiêm cấm) theo hướng quy định chi tiết hơn các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn; sửa đổi, bổ sung Điều 10 Luật Công đoàn về đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; sửa đổi, bổ sung Điều 17 về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với NLĐ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở; sửa đổi Điều 24 về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn;
Ngoài ra, sẽ sửa đổi, bổ sung các Điều 4, Điều 30 để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các điều trong Luật cũng như với hệ thống pháp luật, nhất là với Bộ luật Lao động 2019.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị Uỷ ban Xã hội của Quốc hội quan tâm, nghiên cứu để sớm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về việc giảm giờ làm chính thức cho NLĐ xuống dưới 48 giờ/tuần; đồng thời có chiến lược hướng tới lương đủ sống để nâng cao đời sống cho NLĐ.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì Hội nghị.
Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị là cơ sở chính trị để đề xuất xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi)
Đóng góp ý kiến vào hồ sơ Luật Công đoàn (sửa đổi), đồng chí Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội đồng tình với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác quản lý cán bộ công đoàn, đề nghị Công đoàn Việt Nam phân tích cặn kẽ bất cập này, mạnh dạn đưa vào Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong sự phát triển của đất nước và thị trường lao động biến đổi không ngừng, hội nhập quốc tế.
Đồng chí Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, Luật Công đoàn (sửa đổi) đặt trong bối cảnh mới, có thêm tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp. Hoạt động công đoàn cũng trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế, có tính cạnh tranh nhất định. Do vậy, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần mang tính bao quát, toàn diện, đề xuất sửa đổi các luật liên quan, như Luật Đất đai (chính sách liên quan đến đất đai, phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân)…
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, sửa đổi Luật Công đoàn lần này là một trong những hoạt động trọng tâm, thể chế hóa nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị để hoạt động công đoàn thích ứng tình hình mới, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.
Quá trình triển khai xây dựng hồ sơ Luật Công đoàn (sửa đổi) có nhiều thuận lợi. Đó là các nghị quyết của Đảng yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân hiện đại và Công đoàn Việt Nam vững mạnh, thể hiện qua Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị. Đây là cơ sở chính trị trong quá trình xây dựng, đề xuất Luật Công đoàn (sửa đổi). Sửa Luật Công đoàn trên tinh thần kế thừa được những kết quả đã đạt được và đổi mới hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Đồng chí Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu ý kiến tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, vai trò của Công đoàn Việt Nam đã được ghi nhận trong Điều 10 Hiến pháp. Quá trình sửa Luật Công đoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa và có sự đồng thuận cao với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng Luật.
Hai bên nhất trí xây dựng cơ chế phối hợp, tiếp tục mở rộng hoạt động phối hợp liên quan đến NLĐ và các đối tượng chịu tác động liên quan đến các luật mà Ủy ban có trách nhiệm thẩm tra, về công tác an sinh xã hội.
Ngọc Cường (theo CĐVN)
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: