tổng liên đoàn lao động vn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp về nhà trẻ, mẫu giáo và các chính sách hỗ trợ cho con công nhân lao động (CNLĐ) trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" (04.10.2022 08:32)
Sáng 3/10, tại tỉnh Lâm Đồng, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp về nhà trẻ, mẫu giáo và các chính sách hỗ trợ cho con công nhân lao động (CNLĐ) trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" cho các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng hơn 80 đại biểu là đại diện Thường trực, lãnh đạo ban và chuyên viên phụ trách công tác nữ công của hơn 40 đơn vị LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương. Đồng chí Thái Thu Xương – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; đồng chí Đỗ Hồng Vân, Ủy viên Ban Chấp hành, Quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Thái Thu Xương – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội thảo. Ảnh: THU HIỀN
Chính sách thiết thực với CNLĐ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Thái Thu Xương nêu rõ, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế ở nước ta, thời gian qua, các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) cũng tăng nhanh, thu hút một lực lượng lớn người lao động (NLĐ), trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ khá lớn. Lực lượng này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và đất nước, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều vấn đề tại các KCN, KCX mà tổ chức Công đoàn cần phối hợp với các cấp, các ngành và người sử dụng lao động (NSDLĐ) giải quyết kịp thời như thu nhập, đời sống, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo…
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020, quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó quy định cụ thể chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn có KCN - nơi có nhiều lao động; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con CNLĐ làm việc tại các KCN; chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn có KCN nơi có nhiều lao động.
“Đây là những chính sách phù hợp, có ý nghĩa rất lớn và thiết thực với đời sống NLĐ. Tổ chức Công đoàn cần sớm vào cuộc, tham gia triển khai và giám sát thực hiện các chính sách này, đảm bảo quyền, lợi ích của NSDLĐ và NLĐ trong tình hình mới” - đồng chí Thái Thu Xương khẳng định.
Hơn 80 đại biểu của 40 đơn vị LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương tham gia Hội thảo. Ảnh: ĐỖ THIỆM
Tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Thị Hồng Vân – Quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thông tin về tình hình CNLĐ trong các KCN, KCX và các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, tính đến cuối năm 2021, cả nước đã quy hoạch phát triển 563 KCN, trong đó 397 KCN đã được thành lập, 291 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 87,1 nghìn héc ta, đã tạo việc làm cho khoảng 4,07 triệu CNLĐ.
Tại các địa bàn có KCN - nơi có đông lao động, nhiều con em của NLĐ nhập cư phải gửi ở hệ thống trường tư thục, nhóm trẻ vì không có hộ khẩu. Với thu nhập của công nhân để lo cho con ăn học ở trường tư là một sự cố gắng rất lớn. Đặc biệt, giáo viên đang làm việc tại trường tư thục ở KCN còn vất vả hơn nhiều. Từ thực tiễn này, các bộ ngành Trung ương và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ đối tượng giáo viên mầm non 800.000 đồng/tháng; hỗ trợ con CNLĐ đang làm việc ở các KCN trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo 160.000 đồng/tháng.
“Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn, đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, để có được mức hỗ trợ này là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, đồng thời đây cũng được đánh giá là một chính sách nhân văn để đầu tư cho tương lai” – đồng chí Đỗ Thị Hồng Vân chia sẻ.
Để chính sách sớm đi vào cuộc sống
Đánh giá kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ qua tổng hợp báo cáo từ các ngành, địa phương trong cả nước, Quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, một số địa phương sớm ban hành nghị quyết và nhanh chóng triển khai đến các đơn vị đủ điều kiện được hỗ trợ, mở rộng đối tượng hỗ trợ đến con CNLĐ trong các cụm công nghiệp. Tuy nhiên, cũng còn không ít địa phương chậm triển khai thực hiện hay công đoàn cũng chưa chủ động để vào cuộc nên còn nhiều nơi, chính sách chưa đến được với CNLĐ.
Đồng chí Bùi Thị Thanh Giang – Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TP.Hà Nội phát biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh: ĐỖ THIỆM
Hội thảo lần này là diễn đàn để các đại biểu thảo luận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho con CNLĐ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian qua; vai trò của tổ chức Công đoàn và những kinh nghiệm từ thực tiễn ở mỗi ngành, địa phương; những giải pháp mà tổ chức Công đoàn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong chăm lo tốt hơn cho con em của NLĐ…
Đồng chí Bùi Thị Thanh Giang – Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TP.Hà Nội chia sẻ, ngay sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, đơn vị này đã phối hợp với ngành Giáo dục và các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND cùng cấp ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non với các mức cao hơn so với quy định của Chính phủ. Cụ thể như hỗ trợ đối tượng giáo viên mầm non 1.600.000 đồng/tháng; hỗ trợ con CNLĐ đang làm việc ở các KCN trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo 240.000 đồng/tháng…
Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TP.Hà Nội cũng cho biết, tổng số CNLĐ đang làm việc tại các KCN và KCX thuộc địa phương này là hơn 164 ngàn người, trong đó chiếm gần 70% là CNLĐ nữ, đa số là dưới 35 tuổi, đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ nên nhu cầu về gửi trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non là khá lớn. Tuy nhiên với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 5 – 5,5 triệu đồng/người thì chi phí gửi con tại nhà trẻ, lớp mẫu giáo là vấn đề lớn đối với CNLĐ.
“Thông qua đối thoại với lãnh đạo địa phương hằng năm, chúng tôi đã đề xuất chính quyền xây dựng 2 trường mầm non công lập dành riêng cho con CNLĐ tại KCN tập trung đông CNLĐ là Bắc Thăng Long. Đồng thời chúng tôi cũng duy trì hoạt động hiệu quả 116 phòng vắt trữ sữa tại 70 doanh nghiệp, thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể để doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ hằng tháng từ 50 – 100 ngàn đồng cho mỗi con CNLĐ tại hơn 300 doanh nghiệp” - đồng chí Bùi Thị Thanh Giang chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Bá Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu thảo luận và kiến nghị đề xuất tại Hội thảo. Ảnh: ĐỖ THIỆM
Đồng chí Đoàn Văn Dũng – Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Cần Thơ thì chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng quy chế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong triển khai thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là việc chia sẻ thông tin, rà soát các đối tượng được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, từ đó thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ của địa phương. Đồng thời phát huy vai trò của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh để làm cầu nối giữa LĐLĐ tỉnh và các ngành liên quan, tham gia kiểm tra, giám sát để tuyên truyền, phổ biến và thúc đẩy nhanh việc triển khai chính sách đến NLĐ trong các KCN”.
Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã phát biểu ý kiến như: Đồng chí Nguyễn Bá Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; đồng chí Huỳnh Phước Sang - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai; đồng chí Ông Thị Hoàng Mai – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương; đồng chí Nguyễn Thị Lý – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk…
Các đại biểu chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này, đó là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó chủ lực phải là ngành Giáo dục và Đào tạo và tổ chức Công đoàn ở địa phương; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, hướng dẫn, hỗ trợ các đối tượng được hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.
Đồng thời, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn, kiến nghị với Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đối với cả NLĐ trong các cụm công nghiệp; tăng mức hỗ trợ, tăng thời gian được hỗ trợ đối với con CNLĐ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo lên 12 tháng/năm hay đề nghị xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non ngoài công lập…
Các ý kiến thảo luận và kiến nghị tại Hội thảo là thông tin hữu ích, qua đó giúp Tổng LĐLĐ Việt Nam có những kiến nghị với Chính phủ một cách đầy đủ, sát thực về chính sách hỗ trợ CNLĐ nói chung và hỗ trợ con CNLĐ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo tại các KCN, KCX.
Giang Đào
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: