tổng liên đoàn lao động vn
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (07.07.2023 11:24)
Ngày 05/7/2023, tại Thành phố Đà Nẵng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với sự tham gia của gần 60 đại biểu đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Tại Hội nghị, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo các nội dung dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội dự kiến trình Chính phủ (dự thảo ngày 28/5/2023) với nhiều nội dung sửa đổi phù hợp. Cụ thể: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được kết cấu gồm 9 chương, 135 Điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương, 125 điều), trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014, trong đó có bổ sung 02 nội dung mới (trợ cấp hưu trí xã hội và Quản lý thu, đóng BHXH); bỏ mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (đã được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động); tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia BHXH, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục BHXH mà lồng ghép vào từng chế độ.
Đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
trình bày Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
So với Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật có 12 nội dung thay đổi chính, trong đó nhiều nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm của người tham gia BHXH, NLĐ và tổ chức đại diện NLĐ.
Đơn cử như, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng. NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh), người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và NLĐ làm việc không trọn thời gian (NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt) tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ của BHXH bắt buộc; bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Hay bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.
Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Quy định cụ thể hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, theo đó tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương…
Các đại biểu tham gia ý kiến góp ý Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật cần làm rõ và sử dụng các khái niệm chậm, nợ đóng BHXH, chiếm dụng BHXH; đặc biệt khái niệm về “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”; “công đoàn cơ sở” thuộc hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam và “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”; từ đó quy định quyền, trách nhiệm của các tổ chức này phù hợp với pháp luật liên quan (Bộ Luật Lao động 2019, Luật Công đoàn năm 2012). Đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu tách Điều 20 của dự thảo Luật thành 3 điều riêng biệt, quy định về quyền, trách nhiệm của các chủ thể bao gồm “Công đoàn Việt Nam”; “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”; “Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức của Mặt Trận”. Bổ sung nội dung về việc nghiêm cấm người lao động cho mượn, cầm cố, ủy quyền hưởng Bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục tham gia, góp ý dự thảo Luật tại cấp tỉnh, vì đây là một bộ luật quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Vân Trang
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: