tổng liên đoàn lao động vn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tập huấn, đối thoại, tham vấn ý kiến của công nhân và cán bộ công đoàn về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội (10.11.2022 08:15)
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang là vấn đề được đông đảo các tầng lớp Nhân dân quan tâm; cán bộ công đoàn, người lao động cũng mong muốn cải cách chính sách phải từ quyền lợi của người tham gia BHXH.
Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tập huấn, đối thoại, tham vấn ý kiến của công nhân và cán bộ công đoàn về chính sách, pháp luật bảo biểm xã hội. Ảnh: ĐỖ THIỆM
Vừa qua, tại Hội nghị tập huấn, đối thoại, tham vấn ý kiến của công nhân và cán bộ công đoàn về chính sách, pháp luật an sinh xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tại tỉnh Khánh Hoà, đồng chí Đào Duy Hiện – Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, đại diện cho BHXH Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin về việc thực hiện chính sách BHXH và những vấn đề khó khăn, thách thức đặt ra trong cải cách chính sách an sinh xã hội ở nước ta.
Theo đó, được coi là trụ cột chính trong chính sách an sinh xã hội, quỹ BHXH đã đảm bảo đủ và chủ động nguồn lực trong việc chi trả các chế độ BHXH cho người tham gia, giúp ngân sách Nhà nước có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của cơ quan chủ quản, đại diện BHXH Việt Nam cũng chỉ ra một số khiếm khuyết trong thực thi chính sách BHXH thời gian qua như: Tỷ lệ bao phủ BHXH còn chưa tương xứng, tính đến tháng 9/2022, số người tham gia là khoảng 17,244 triệu người (trong đó BHXH bắt buộc khoảng 15,732 triệu người, BHXH tự nguyện khoảng 1,512 triệu người).
Đặc biệt, tính đến ngày 31/12/2021, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo biểm thất nghiệp (BHTN) là 10.558 tỷ đồng tại 196 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với trên 2,8 triệu lao động; có 29.533 đơn vị đã phá sản, giải thể, ngưng hoạt động, chủ bỏ trốn nên chậm đóng, trốn đóng BHXH 3.215 tỷ đồng với 206.468 lao động tham gia.
Như vậy không chỉ ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà trực tiếp là đời sống của người lao động, khi họ là nhóm người yếu thế cần được đảm bảo an sinh nhưng nay họ lại vô tình trở thành nạn nhân của những hệ lụy từ những khiếm khuyết của chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định đề xuất cần có lộ trình nhanh chóng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống dưới 20 năm. Ảnh: THANH THẢO
Đây cũng là một trong những vấn đề đặt ra, cần khắc phục trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện Luật BHXH và hệ thống pháp luật liên quan mà đông đảo người lao động và cán bộ công đoàn quan tâm, tham gia, đề xuất ý kiến nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH.
Đối với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì điều quan tâm trước hết là hoàn thiện chính sách về tiền lương và những quy định về tiền công, tiền lương tham gia BHXH. Hiện nay, đâu đó trong chính sách tiền lương vẫn còn xem BHXH là phần tách biệt với tiền công, tiền lương (quy định về kỳ đóng BHXH hằng tháng và trong tháng; thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp phá sản) nên đã tạo cơ hội cho hành vi chậm đóng BHXH hoặc chiếm dụng tiền BHXH mà người lao động đã trích lại từ tiền công, tiền lương.
Cùng với đó, việc quy định đối tượng tham gia BHXH, BHTN bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động như hiện nay tạo ra khoảng trống chính sách, đó là bỏ sót nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia (như người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh cá thể); đồng thời việc quy định đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động cũng là kẽ hở cho những hành vi trốn đóng BHXH, đơn vị sử dụng lao động “lách luật”, thỏa thuận với người lao động không giao kết hợp đồng lao động mà sử dụng hình thức hợp đồng cộng tác viên, khoán, học nghề, tập nghề,… nhưng bản chất là hợp đồng lao động để trốn đóng BHXH, BHTN.
Một hành vi khá phổ biến mà hiện nay nhiều đối tượng sẵn sàng “qua mặt” cơ quan chức năng để trốn đóng BHXH, BHTN cho người lao động đó là nội dung về tiền lương, phụ cấp lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động luôn thể hiện ở mức lương tối thiểu vùng, thấp hơn nhiều lần so với thực tế trong bảng thanh toán tiền công, tiền lương hoặc bảng quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Với những thỏa thuận trốn đóng BHXH, BHTN dạng này, đơn vị sử dụng lao động được hưởng lợi, còn người lao động (NLĐ) thì “thiệt đơn, thiệt kép”.
Đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì cũng chưa có quy định giải quyết quyền lợi đối với NLĐ. Việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn không đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia, có thể tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp lợi dụng trốn đóng, chậm đóng, không khuyến khích tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (bên phải) và ông André Gama, Giám đốc Chương trình an sinh xã hội ( ILO) chủ trì hội nghị góp ý sửa đổi Luật BHXH. Ảnh: THANH THẢO
Quy định về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu với tỉ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, khiến nhiều người không chờ được, chọn rút BHXH 1 lần; mong muốn của người tham gia BHXH là sửa đổi chính sách theo hướng giảm dần năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 trở đi, quy định tăng thời gian đóng BHXH dần thêm cho đến khi nam phải đóng đủ 35 năm, nữ đóng đủ 30 năm mới được hưởng mức lương hưu tối đa 75% và từ năm 2021 tăng dần tuổi nghỉ hưu đến khi nam đạt 62 tuổi, nữ đạt 60 tuổi mới đủ điều kiện hưởng lương hưu cũng tác động đến NLĐ, họ cho rằng khó chờ đến khi được hưởng lương hưu, mức hưởng cũng khó đạt tối đa nên chọn nhận BHXH 1 lần.
Theo quy định hiện nay, khi rút BHXH 1 lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của NLĐ không được bảo lưu thì nên xem xét bổ sung quy định khoảng thời gian nhất định sau khi rút BHXH 1 lần được phép bảo lưu nhằm tạo cơ hội cho người tham gia BHXH có điều kiện được hưởng lương hưu hằng tháng.
Cần cụ thể hóa các quy định xử lý đối tượng trốn đóng BHXH. Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH có thể bị xử lý hình sự; tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc về các cơ chế hướng dẫn và phân loại đối tượng chậm đóng hay trốn đóng; cũng như chưa có hướng dẫn về việc xử lý hình sự đối với pháp nhân. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc đóng BHXH như giám đốc, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp để làm căn cứ xác định chủ thể vi phạm trốn đóng BHXH. Có như vậy mới xử lý nghiêm được các hành vi trốn đóng BHXH.
Một vấn đề nữa đặt ra là cần cụ thể hóa các quy định nhằm tăng cường vai trò giám sát của tổ chức Công đoàn bằng cách để tổ chức Công đoàn cấp trên được đại diện cho người lao động khởi kiện ra tòa án khi NLĐ bị doanh nghiệp nợ BHXH.
Trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện chính sách, đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, đáp ứng mục tiêu tăng cường an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật; ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, hạn chế việc trốn đóng, đặc biệt là hạn chế tình trạng chậm đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu, nộp, bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng BHXH cho NLĐ là những nội dung mà NLĐ và các cấp công đoàn đang tiếp tục quan tâm, tham gia, đóng góp ý kiến.
Ngọc Cường
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: