Liên đoàn lao động tỉnh
KỲ VỌNG TỪ ĐẠI HỘI XIII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (19.12.2023 16:27)
1. Vinh dự, tự hào Công đoàn Việt Nam
Từ ngày 01 đến 03 tháng 12 năm 2023, tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến - “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam khai mạc trọng thể. Tham dự và chỉ đạo đại hội là tập thể Bộ Chính trị, thật vinh dự và tự hào cho công đoàn chúng ta, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội và có bài phát biểu chỉ đạo đại hội rất quan trọng. Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội còn có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng – Trưỏng ban Dân vận Trung ương. Tham dự Đại hội có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng chí Trương Thị Mai - Ủy biên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Tham dự Đại hội còn có các đại biểu quốc tế, gồm: Đại diện Công đoàn quốc tế, công đoàn các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cu Ba… các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đặc biệt, về dự đại hội có 1.100 đại biểu, đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có đầy đủ tập thể Bộ Chính trị, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư tham dự, cùng tham gia Đoàn chủ tịch, một lần nữa thể hiện vị trí, vai trò, uy tín của Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị nói chung, xã hội nói riêng; đồng thời, thể hiện sự tin tưởng, trân trọng, yêu quý Công đoàn Việt Nam của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Chứng kiến giây phút các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu khách quý tiến vào hội trường trước giờ khai mạc Đại hội, ân cần gặp gỡ, thăm hỏi, trao đổi cùng đại biểu mới thực sự thấy được, cảm nhận đúng không khí vui tươi, ấm áp, gần gũi, tràn đầy tình yêu thương, đoàn kết, quý mến của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giành cho tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhất là những công nhân, lao động ngày đêm miệt mài trên công trường, nhà máy, hầm mỏ … vì đất nước giàu đẹp, hùng cường.
Đồng chí Ngô Thanh Danh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự Đại hội và chụp ảnh cùng Đoàn đại biểu Công đoàn tỉnh Đắk Nông dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
2. Nhiệm vụ quan trọng, vinh quang và rất đỗi tự hào
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Công đoàn Việt Nam những nhiệm vụ rất quan trọng, mang tầm chiến lược, thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với Công đoàn Việt Nam:
Một là, trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ, rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Trong quá trình tổ chức hoạt động, Công đoàn phải phát huy quyền làm chủ của người lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Quan tâm nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm sao để tổ chức Công đoàn các cấp thực sự là hạt nhân tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trong cả nước.
Hai là, tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại.
Công đoàn phải giúp cho mỗi đoàn viên, người lao động nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, về giai cấp, về tổ chức công đoàn, trách nhiệm công dân, không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua… để đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước; từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình. Các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục cần đa dạng, quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với các phương thức, hình thức truyền thống, nhất là đi sâu, đi sát, cùng làm việc, sinh hoạt, chia sẻ, vận động đoàn viên, người lao động. Đổi mới hình thức tuyên truyền, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, người lao động; nhất là việc kiên trì, sáng tạo trong tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cụ thể hoá các tiêu chí cho phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; xây dựng các mô hình phù hợp, kịp thời phát hiện và biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác.
Ba là, các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động. Vai trò đại diện của tổ chức công đoàn thể hiện trước hết ở sự tích cực tham gia xây dựng chính sách, luật pháp; tham gia xây dựng các quy chế, quy định, nội quy lao động ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, để chuyển tải mong muốn, nguyện vọng, phát huy cao nhất quyền làm chủ của người lao động. Kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề quan tâm, bức xúc của người lao động. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối thoại và thương lượng tập thể, mở rộng diện bao phủ thỏa ước lao động tập thể mang lại lợi ích cho người lao động. Luôn luôn quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, y tế… bảo đảm an toàn cho người lao động. Tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, hạn chế ngừng việc tập thể; không để các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, lao động làm những hành vi trái pháp luật.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn có những diễn biến phức tạp, gặp nhiều khó khăn, đe dọa sự ổn định về việc làm và cơ hội nâng cao thu nhập của người lao động, tôi đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày. Việc chăm lo của Công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, người lao động và gia đình của họ. Từ đó thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên công đoàn, nhất là đội ngũ công nhân, người lao động ngoài khu vực nhà nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn.
Bốn là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế. Trước sự xuất hiện những hình thức mới của việc làm, quan hệ việc làm, sự thay đổi về nhu cầu tập hợp, liên kết của người lao động và thiết chế cho phép hình thành tổ chức đại diện người lao động độc lập ngoài công đoàn trong doanh nghiệp, Công đoàn các cấp phải căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của người lao động để xác định mô hình tổ chức, nội dung, mục tiêu và phương thức hoạt động phù hợp. Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động; quan tâm thí điểm một số mô hình mới để thu hút, tập hợp đoàn viên, người lao động. Phương thức hoạt động công đoàn cần linh hoạt, không ngừng sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công đoàn, cần có giải pháp cụ thể đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở. Coi trọng cải cách hành chính; kiên quyết chống quan liêu, bệnh hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động công đoàn. Triển khai sâu sắc, toàn diện, thực chất các hoạt động công đoàn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.
Năm là, với vị thế là một tổ chức chính trị - xã hội, là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ, hơn ai hết, Công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn. Các cấp công đoàn phải tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện thật tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; góp ý với đảng viên, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ với hình thức phù hợp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường giới thiệu để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những cán bộ, đoàn viên công đoàn ưu tú, xuất sắc; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên tiên tiến, nòng cốt trong các doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước, ngoài công lập.
Để đáp ứng công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn cần đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng. Công tác cán bộ công đoàn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn cấp trên với cấp ủy trong công tác cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn phải được lựa chọn kỹ càng, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, bản lĩnh, có phẩm chất, năng lực, có tư duy, tầm nhìn, nhiệt huyết, trách nhiệm, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nắm chắc luật pháp, am hiểu về công tác công đoàn; có kỹ năng, phương pháp vận động quần chúng tốt, có năng lực xử lý tình huống để dẫn dắt, truyền cảm hứng cho đoàn viên, người lao động.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam thành công tốt đẹp, mở ra giai đoạn phát triển mới, chặng đường mới, thành tựu mới làm dấu mốc quan trọng chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 100 năm thành lập Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam./.
Trọng Nhương
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: