Liên đoàn lao động tỉnh
KỶ NIỆM NGÀY BẦU CỬ QUỐC HỘI - “CUỘC VẬN ĐỘNG DÂN CHỦ ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI” (05.01.2024 08:25)
KỶ NIỆM NGÀY BẦU CỬ QUỐC HỘI - “CUỘC VẬN ĐỘNG DÂN CHỦ ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI”
Ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ lâm thời và Chính phủ liên hiệp kháng chiến nhanh chóng tiến hành chuẩn bị tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Công tác chuẩn bị bầu cử được triển khai từ đầu tháng 9 năm 1945, song gặp nhiều trở ngại do chiến sự ở nhiều vùng và sự phá hoại của các thế lực thù địch, sự tranh giành ảnh hưởng giữa các đảng phái đối lập với Mặt trận Việt Minh cầm quyền. Cuối cùng, Cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 6 tháng 1 năm 1946 trên cả nước và đi vào lịch sử như là cuộc vận động dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam hiện đại.
Ảnh tư liệu: Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 6/1/1946.
Quốc hội Việt Nam khóa I (nhiệm kỳ 1946 - 1960) là khóa Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài 14 năm qua 12 kỳ họp, từ tháng 1-1946 đến tháng 5-1960. Là nhiệm kỳ đầu tiên của cơ quan lập pháp tối cao, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua hai bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật, 50 nghị quyết và ba chính phủ liên hiệp do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Trong bối cảnh đất nước phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, với vai trò của mình, Quốc hội khóa I đã góp phần quan trong vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Với chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, Quốc hội luôn phát huy vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, trong cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc hay cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội luôn đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bám sát thực tiễn đất nước, sâu sát với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để quyết nghị những vấn đề quan trọng, hệ trọng của đất nước, những vấn đề thiết yếu của nhân dân, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, quy phạm pháp luật, các chính sách xã hội, bảo đảm kịp thời, khoa học, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông với lợi thế của mình là có lực lượng đoàn viên, công nhân, lao động đông đảo, hùng hậu, nơi tập trung cơ bản lực lượng trí thức, cán bộ khoa học và kỹ thuật, công nhân lao động lành nghề, là lực lượng sản xuất tiên tiến, có phương pháp quản lý, quản trị cơ quan, doanh nghiệp khoa học, hiệu quả, nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn luôn là thực tiễn sinh động để Quốc hội, đại biểu Quốc hội thâm nhập, tìm hiểu, lắng nghe nhịp đập, hơi thở cuộc sống, làm nguồn thông tin quý báu để Quốc hội quyết nghị những vấn đề quan trọng về quốc kế, dân sinh, bảo đảm ý Đảng, hợp lòng dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong quá trình xây dựng và hoạt động của Quốc hội, nhất là Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông và Liên đoàn Lao động tỉnh tích cực phối hợp, trao đổi thông tin, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, chế độ, chính sách đối với công nhân, lao động. Phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức hội thông tin về dự thảo luật, lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật. Trong quá trình xây dựng các dự án luật, Liên đoàn Lao động tỉnh luôn là đơn vị tích cực tham gia đóng góp ý kiến, nhất là pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, như: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Đất đai, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Nhà ở (sửa đổi) (Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn, thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê). Tích cực tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, phản ánh kịp thời thông tin từ cơ sở, doanh nghiệp đến Quốc hội; đồng thời, lĩnh hội tinh thần các kỳ họp Quốc hội, pháp luật mới ban hành để tuyên truyền sâu rộng trong công nhân, viên chức, lao động. Thông qua các hoạt động của Công đoàn về công tác xây dựng pháp luật, mối quan hệ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Liên đoàn Lao động tỉnh nói riêng, Quốc hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày càng phát triển, vị thế, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong xã hội được nâng lên. Tổ chức Công đoàn Việt Nam thực sự là cầu nối, gắn kết giữa Quốc hội và người lao động, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ nhất.
Trải qua 77 năm thành lập, xây dựng và trưởng thành, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội luôn thực hiện tốt chức năng tối cao của mình, bảo đảm đất nước luôn ổn định, phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với niềm tin yêu của cử tri và nhân dân cả nước. Tự hào về vị trí, vai trò của Quốc hội trong tiến trình phát triển của đất nước, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn luôn phát huy bản chất, truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong xây dựng, chấp hành pháp luật, phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân, ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Trọng Nhương
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: