Liên đoàn lao động tỉnh
Cán bộ công đoàn theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.03.2023 20:54)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người luôn giành sự quan tâm sâu sắc đến quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động. Bác đã xây dựng nền móng, sáng lập và rèn luyện tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN báo cáo tổng kết Tọa đàm
Ảnh (CĐVN)
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ công đoàn phải lưu ý các vấn đề sau:
Một là, để trở thành người tổ chức các hoạt động của công nhân và người lao động, cán bộ công đoàn phải “cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghiệp vụ. Kinh tế của ta ngày càng phát triển, hàng ngũ công nhân ngày càng thêm đông. Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ phải luôn luôn cố gắng học tập, cố gắng vươn lên để không ngừng tiến bộ”[1], đồng thời “Cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân…Nếu cán bộ cùng lao động với công nhân thấy thiếu cái gì, công nhân có ý kiến gì, là có thể thương lượng, bàn bạc, giải quyết được ngay”[2]. Có như thế mới có thể biết được công nhân muốn gì, nghĩ gì, lo gì? Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thực sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối, nắm vững chính sách của Đảng.
Hai là, “Công đoàn các cấp cần cải tiến lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên cần thừờng xuyên đi đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn”[3]. Tuyên truyền, giáo dục cần phải bám sát đoàn viên, người lao động, để biết việc gì có lợi, có ích, sát với thực tế thì ta làm, nếu không thì chỉ làm cho công nhân thêm mệt mỏi, có hại cho sản xuất. Việc ra chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của đoàn viên, người lao động, tìm hiểu trình độ tiếp thu của đoàn viên, người lao động để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực. Cán bộ công đoàn phải cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát đoàn viên, người lao động, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, cần bớt giấy tờ, hội họp lu bù.
Ba là, “Cán bộ công đoàn phải tùy khả năng mà cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của công nhân, vì đời sống vật chất và văn hoá có khá thì làm việc mới tốt”[4], “Công nhân sản xuất tốt hay xấu, có đoàn kết hăng hái sản xuất hay không, đó là những tiêu chuẩn để biết cán bộ công đoàn tốt hay không”[5]. Quan tâm chăm nom đến chỗ ăn, ở, chỗ làm việc của công nhân, gia đình, con cái của anh chị em công nhân thì phải tùy vào điều kiện của doanh nghiệp, khả năng của người sử dụng lao động để vận động, thương lượng cho phù hợp. Đời sống vật chất, tinh thần đi lên thì công nhân mới hăng say sản xuất và cống hiến cho doanh nghiệp.
Những quan điểm và lời dạy của Bác về cán bộ công đoàn kể từ lần cuối cùng Bác gặp các đồng chí lãnh đạo công đoàn vào tháng 7/1969, đến nay đã 54 năm. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã thay đổi sâu sắc, giai cấp công nhân đã có sự phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu thành phần và ngành nghề; chất lượng được nâng lên nhiều mặt, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị ngày càng cải thiện. Tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn không ngừng đổi mới, làm tốt chức năng chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; vẫn luôn ghi sâu những lời dạy ân tình của Bác: Muốn tổ chức và phát triển lực lượng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt.
Quang Hậu
[1], [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 434.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 634.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 119.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 120.
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: