tổng liên đoàn lao động vn
Bàn giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn lớn mạnh (22.03.2023 14:32)
Cán bộ là gốc rễ của mọi sự thành bại của tổ chức và điều này đã chứng minh qua thực tiễn. Trước những yêu cầu của thời kì mới, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ) là gì? Yêu cầu đặt ra đối với vấn đề năng lực, trình độ, chất lượng đội ngũ CBCĐ trong thời gian tới như thế nào? Cần đưa ra giải pháp, kiến nghị gì để xây dựng đội ngũ CBCĐ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đoàn viên, người lao động và bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là vấn đề tổ chức Công đoàn Việt Nam cần quan tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Một số bất cập trong công tác xây dựng đội ngũ CBCĐ
Trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển và sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tổ chức Công đoàn được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng… Hiện nay, cả nước có hơn 7.000 cán bộ chuyên trách, làm toàn thời gian cho công đoàn, hưởng lương của công đoàn và đội ngũ khá đông đảo khoảng 1,2 triệu là CBCĐ không chuyên trách. Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ CBCĐ còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu mà một trong những nguyên nhân là hầu hết đội ngũ CBCĐ, đặc biệt ở cấp cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, thay đổi vị trí công tác. Một số CBCĐ cơ sở chưa tự tin, ít nghiên cứu nghiệp vụ công đoàn, thiếu bản lĩnh để trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động…
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 20/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 21/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” nêu các nhiệm vụ, giải pháp, như: Xây dựng đội ngũ CBCĐ đảm bảo về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động; nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng CBCĐ trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân; thu hút, tạo động lực cho CBCĐ; nghiên cứu cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế…; quy định cơ cấu đại diện công đoàn vào thường vụ cấp ủy ở những nơi có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân…
Trong tình hình mới, cán bộ công đoàn cần có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng để tập hợp, thu hút người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ (Ảnh minh họa)
Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII quyết định công tác xây dựng đội ngũ CBCĐ là một trong ba khâu đột phá nhiệm kỳ 2018 - 2023. Trong đó, yêu nghề và tâm huyết với nghề là một phẩm chất cần có đối với những người làm công tác công đoàn. Nơi nào CBCĐ vừa có tâm, vừa đủ tầm, tràn đầy nhiệt huyết thì hoạt động công đoàn ở đó sẽ hiệu quả, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được bảo vệ tích cực.
Chia sẻ tại Hội thảo “Xây dựng đội ngũ CBCĐ Việt Nam trong tình hình mới” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, tháng 10/2022, anh Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, xây dựng đội ngũ CBCĐ trong tình hình mới thì phải giải quyết được vấn đề biên chế thực tế với tổng số CBCĐ quản lý để CBCĐ yên tâm công tác. “Lấy ví dụ ở Bắc Ninh, đơn vị có 10 cán bộ thì chỉ có 3 biên chế được tỉnh uỷ chấp nhận là công chức, 7 biên chế còn lại của công đoàn. Các Khu công nghiệp tỉnh hiện có 743 công đoàn cơ sở với 155.000 đoàn viên đồng nghĩa mỗi CBCĐ quản lý gần 80 công đoàn cơ sở”, anh Quyết cho biết thêm.
Cán bộ công đoàn là người mang lại sự hài lòng cho đoàn viên, người lao động. Trong ảnh: Cán bộ Liên đoàn Lao động quận Đống Đa (TP. Hà Nội) thăm hỏi, động viên công nhân lao động của Công ty Cổ phần In khoa học kỹ thuật.
“Kể cả công đoàn cấp trên như chúng tôi bây giờ, đồng chí chủ tịch LĐLĐ huyện cũng không phải là biên chế công chức Nhà nước mà chỉ là biên chế theo hệ thống công đoàn nên rất cần quan tâm đến biên chế CBCĐ. Trong công tác luân chuyển cán bộ, ở cấp huyện, thị xã, thành phố có đến 50% CBCĐ tham gia huyện uỷ viên, HĐND nhưng nhiệm kỳ của công đoàn không trùng với nhiệm kỳ của Đảng khi luân chuyển sẽ làm hụt hẫng đội ngũ này”, ông Quyết lý giải.
Để làm rõ hơn về biên chế CBCĐ, bà Nguyễn Thị Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Bộ Nội Vụ cho rằng, vấn đề biên chế hiện hiện nay được quy định là theo vị trí việc làm. Nhưng mô hình tổ chức của Công đoàn Việt Nam chưa thống nhất nên việc bố trí biên chế có khác nhau. Vì vậy, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần làm rõ mô hình cho thống nhất.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phản ánh, hiện nay có 2 luồng ý kiến, một là CBCĐ phải tách rời khỏi các nhân sự đang làm công tác quản lý, nhất là quản lý nhân sự tại doanh nghiệp. Như vậy mới đảm bảo được vị thế đại diện cho người lao động trong tương tác với chủ sử dụng lao động. Hai là, cán bộ đang làm công việc quản lý tại doanh nghiệp là những người có cách nhìn cân bằng, hiểu được nguyện vọng cũng như điều kiện, hoàn cảnh của cả 2 bên, là những người “biết ăn biết nói”, quen với công việc giấy tờ, quen giao tiếp nên đóng vai trò như cầu nối giữa quản lý và người lao động, giữ cho quan hệ lao động tại doanh nghiệp được hài hòa, ổn định, hạn chế hiểu nhầm dẫn đến tranh chấp, xung đột.
Chia sẻ về mong muốn của công nhân về người đại diện cho mình, bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn có rất nhiều công nhân cho rằng người đại diện cho mình phải là công nhân trực tiếp, gần gũi và hiểu nguyện vọng của công nhân. Bà Lan cũng băn khoăn khi chủ tịch công đoàn cơ sở là công nhân trực tiếp sẽ không có vị trí, tư thế để thể hiện vai trò đại diện của mình nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi thương lượng và đối thoại được với lãnh đạo công ty.
“Để công nhân trực tiếp sản xuất thực hiện được đầy đủ vai trò thì phải có sự hậu thuẫn từ sức mạnh của tập thể người lao động và các vấn đề của người lao động được trình bày bởi chủ tịch công đoàn cơ sở với tư thế của người đại diện cho một tổ chức người lao động bình đẳng với người sử dụng lao động và dựa trên sức mạnh của tổ chức”, bà Lan bày tỏ.
Tình cảm, sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn giúp đoàn viên, CNVCLĐ vơi đi khó khăn và có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong ảnh: Cán bộ Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng tặng quà cho cán bộ công đoàn cơ sở nhân dịp Tết Quý Mão 2023.
Đề xuất các tiêu chuẩn khi xây dựng đội ngũ CBCĐ lớn mạnh
Bắt đầu từ yêu cầu của đoàn viên đặt ra đối với CBCĐ, bà Phạm Thị Thu Lan đưa ra kết quả khảo sát của đơn vị đối với câu hỏi: Bạn muốn chủ tịch công đoàn cơ sở là người như thế nào để đại diện và bảo vệ hiệu quả cho quyền lợi của bạn? Ý kiến người lao động và CBCĐ ở cơ sở như sau: “Chủ tịch công đoàn cơ sở phải năng động, sẵn sàng đứng lên bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi người lao động lên hàng đầu”; “Muốn người hiểu được các nguyện vọng, mong muốn của đoàn viên công đoàn và trung thực”; “Muốn người dưới sản xuất tham gia công đoàn vì họ gần gũi và hiểu công nhân”; “Cần một chủ tịch công đoàn có tâm huyết, có năng lực, có sức ảnh hưởng để đảm bảo dẫn dắt Ban Chấp hành”; “Cần người có tài và có tâm, gắn bó và thực sự quan tâm đến người lao động”.
Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đề xuất nhiều giải pháp có tính tham khảo cho tổ chức Công đoàn Việt Nam thời gian tới.
Chẳng hạn, để được sự thừa nhận của đoàn viên và người lao động, CBCĐ cần có năng lực tiếp xúc, nói chuyện với người lao động để tập hợp, thiết lập mạng lưới liên kết trong công nhân, xây dựng sức mạnh tổ chức và cùng nhau hành động; năng lực tổ chức và trình bày rõ ràng các mục tiêu, chiến lược hành động của công đoàn và phân công người thực hiện hướng tới mục tiêu chung; năng lực huy động nguồn lực và sự ủng hộ, hỗ trợ từ bên ngoài tổ chức Công đoàn.
Đối với CBCĐ cấp trên cơ sở, yêu cầu đặt ra là kỹ năng hỗ trợ công đoàn cơ sở và năng lực giải quyết vấn đề. Công đoàn cấp trên phải xây dựng một quy trình bảo vệ CBCĐ; tiếp tục tham gia xây dựng pháp luật để hoàn thiện pháp luật liên quan tới bảo vệ CBCĐ như sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012. Đặc biệt, một trong những kênh bảo vệ CBCĐ cần phát huy là từ đoàn viên và người lao động.
Thông qua các phong trào văn nghệ, thể thao do các cấp công đoàn tổ chức đã thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh (Ảnh minh họa)
Kỹ năng thương lượng thỏa ước nhóm doanh nghiệp và thỏa ước ngành là nội dung hoạt động quan trọng của công đoàn cấp trên cơ sở cũng cần đặc biệt quan tâm thời gian tới. Bên cạnh đó là kỹ năng tổ chức các cuộc vận động, phong trào, chiến dịch hành động nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khơi dậy, phát huy tiềm năng của mỗi người và tăng cường sự đoàn kết, gắn bó với đơn vị. Việc phát động các chiến dịch hành động phải hướng tới mục tiêu chung. Ví dụ: Ngày Quốc tế Lao động (1/5) và Tháng Công nhân hằng năm nên đưa ra hành động chung là thương lượng, đối thoại thay đổi chính sách hoặc phúc lợi dành cho người lao động như cải thiện chất lượng bữa ăn ca; điều kiện làm việc…
Trong tình hình mới, yêu cầu xây dựng đội ngũ CBCD các cấp phải là thiết lập được mối liên hệ mật thiết với đoàn viên và người lao động để thu hút họ chủ động, tích cực tham gia các hoạt động công đoàn cũng như quá trình ra quyết định của công đoàn…
Khương Minh (Nguồn Công đoàn Việt Nam)
Các tin khác
|
|
|
Thống kê truy cập
Thống kê truy câp: