`

Giới thiệu ()

1. Vị trí của Công đoàn Việt Nam:

Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị xã hội Việt Nam

- Với Đảng, Công đoàn chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỗ dựa vững chắc và là sợi dây nối liền quần chúng với Đảng.

- Với Nhà nước, Công đoàn là người cộng tác đắc lực, bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, ngược lại Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý và cơ sở vật chất cho Công đoàn hoạt động.

- Với tổ chức chính trị, xã hội khác, Công đoàn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hạt nhân trong khối liên minh Công, Nông, trí thức, bình đẳng, tôn trọng, tạo điều kiện cho nhau hoạt động (thông qua các Nghị quyết liên tịch…)

2. Vai trò của Công đoàn Việt Nam:

Vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển, mở rộng qua các thời kỳ. Ngày nay trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại, vai trò của Công đoàn Việt Nam tác động trên các lĩnh vực:

Trong lĩnh vực chính trị: Công đoàn có vai trò to lớn trong việc góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa. Tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật và để Nhà nước thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Để đảm bảo sự ổn định về chính trị.

Trong lĩnh vực kinh tế: Công đoàn tham gia xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế nhằm xoá bỏ quan liêu, bao cấp, củng cố nguyên tắc tập trung trên cơ sở mở rộng dân chủ. Góp phần củng cố những thành tựu kinh tế văn hoá và khoa học kỹ thuật đã đạt được trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển có lợi cho quốc kế dân sinh. Đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, từng bước đưa kinh tế tri thức vào Việt Nam, góp phần nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc đẩy mạnh hoạt động của các thành phần kinh tế vẫn đảm bảo cho kinh tế quốc doanh giữ vị trí then chốt, đóng vai trò chủ đạo.

Trong lĩnh vực văn hoá - tư tưởng: Trong nền kinh tế nhiều thành phần Công đoàn phát huy vai trò của mình trong việc giáo dục công nhân, viên chức và lao động nâng cao lập trường giai cấp, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, phát huy những giá trị cao đẹp, truyền thống văn hoá dân tộc và tiếp thu những thành tựu tiên tiến của văn minh nhân loại góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

 

 

Trong lĩnh vực xã hội: Công đoàn có vai trò trong tham gia xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tính tổ chức kỷ luật, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật, có nhãn quan chính trị, thực sự là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông - trí thức, làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, là cơ sở vững chắc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường sức mạnh của Nhà nước.

3. Chức năng của Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam có ba chức năng.

1. Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

2. Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước trong phạm vị chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.

3. Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và phát triển bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chức năng của Công đoàn là một chính thể, một hệ thống đồng bộ, đan xen tương tác lẫn nhau. Trong đó, chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động mang ý nghĩa trung tâm - mục tiêu hoạt động công đoàn. Từ các chức năng này sẽ định ra các nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn.

 

 

NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN CỦA CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN CƠ SỞ

1) Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố:

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố được tổ chức theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập hoặc giải thể phù hợp với các quy định của Luật Công đoàn.

Đối tượng tập hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố gồm đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn.

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chỉ đạo trực tiếp các Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố), Công đoàn Các Khu công nghiệp và các Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn trực thuộc (kể cả Công đoàn cơ sở các đơn vị của trung ương không có Công đoàn ngành trung ương hoặc Công đoàn Tổng Công ty).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố:

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

b. Đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn.

c. Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nghị quyết đại hội Công đoàn tỉnh, thành phố; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia với cấp ủy đảng, cơ quan Nhà nước tỉnh, thành phố về các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề có liên quan đến đời sống, việc làm và điều kiện làm việc của CNVCLĐ trên địa bàn. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội của CNVCLĐ trên địa bàn.

d. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, Công đoàn ngành trung ương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các chính sách có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tham gia hội đồng trọng tài lao động ở địa phương, hướng dẫn và chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp lao động, tham gia điều tra tai nạn lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng người lao động trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

e. Chỉ đạo các Công đoàn ngành địa phương, Liên đoàn Lao động huyện, Công đoàn các Khu Công nghiệp, Công đoàn Tổng Công ty (thuộc tỉnh, thành phố) và cấp tương đương thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 25, 26, 27 và 28 Điều lệ này.

f. Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở của Công đoàn Tổng Công ty thuộc trung ương và các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố những nội dung sau đây:

- Triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước ở địa phương kiểm tra, thanh tra lao động; điều tra các vụ tai nạn lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động; đại diện bảo vệ người lao động trước người sử dụng lao động, cơ quan Nhà nước và trong quá trình tham gia tố tụng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động.

g. Tổ chức giáo dục nâng cao trình độ văn hóa và nghề nghiệp cho CNVCLĐ, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, quản lý nhà văn hóa công nhân, Công đoàn; tổ chức các Trung tâm Giới thiệu việc làm, cơ sở tư vấn pháp luật theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 

NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN CỦA CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN CƠ SỞ (Tiếp)

h. Thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ được phân cấp quản lý.

i. Hướng dẫn, chỉ đạo đại hội các Công đoàn cấp dưới; xây dựng Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn vững mạnh.

j. Thực hiện quan hệ đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

(Trích: Điều 32 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2009)

2) Công đoàn ngành địa phương:

Công đoàn ngành địa phương là Công đoàn cấp trên cơ sở tập hợp CNVCLĐ cùng ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Công đoàn ngành địa phương do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập hoặc giải thể sau khi thống nhất với Công đoàn ngành trung ương.

Công đoàn ngành địa phương chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và sự chỉ đạo về ngành nghề của Công đoàn ngành trung ương.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn ngành địa phương:

a. Tổ chức triển khai các chủ trương công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, của Công đoàn ngành trung ương và nghị quyết đại hội Công đoàn cấp mình.

b. Tham gia với cơ quan quản lý cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội của ngành địa phương, các vấn đề có liên quan đến trách nhiệm và lợi ích ngành, nghề, xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức và lao động trong ngành.

c. Hướng dẫn, thông tin về pháp luật và các chế độ, chính sách, khoa học kỹ thuật ngành, nghề, chỉ đạo Công đoàn cấp dưới thực hiện các chế độ, chính sách lao động ngành, nghề. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ của Công đoàn và truyền thống, nghĩa vụ, quyền lợi của CNVCLĐ trong ngành.

d. Phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách ngành, nghề, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ trong ngành; hỗ trợ Công đoàn cơ sở thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định pháp luật; đại diện cho Công đoàn cơ sở hoặc người lao động của người khởi kiện hoặc tham gia vào quá trình tố tụng khi được Công đoàn cơ sở hoặc người lao động ủy quyền.

e. Phát triển đoàn viên và Công đoàn cơ sở trong các thành phần kinh tế, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ theo phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, xây dựng Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn vững mạnh.

(Trích: Điều 25 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2009)

3) Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Liên đoàn Lao động huyện):

Liên đoàn Lao động huyện là Công đoàn cấp trên cơ sở, tập hợp CNVCLĐ trên địa bàn huyện.

Liên đoàn Lao động huyện do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp.

Liên đoàn Lao động huyện quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp Công đoàn cấp trên cơ sở là Công đoàn giáo dục huyện và các Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn đóng trên địa bàn (trừ những Công đoàn cơ sở đã trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn Tổng Công ty).

 

 

Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Lao động huyện:

a. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước cấp huyện, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn Tổng Công ty để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp lao động đối với các cơ sở đóng trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ, giúp Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, tổ chức, lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật. Đại diện cho Công đoàn cơ sở hoặc người lao động khởi kiện hoặc tham gia vào quá trình tố tụng khi được Công đoàn cơ sở hoặc người lao động ủy quyền.

b. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

c. Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và chủ trương công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy đảng và nghị quyết đại hội Công đoàn cấp mình; tham gia với cấp ủy đảng, cơ quan Nhà nước về các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề có liên quan đến việc làm, đời sống của CNVCLĐ.

d. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

e. Vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia các hoạt động xã hội, hướng dẫn các hình thức, biện pháp chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.

f. Thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn; công tác tổ chức, cán bộ theo phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; xây dựng Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn vững mạnh.

(Trích: Điều 26 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2009)

4) Công đoàn giáo dục quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:

Công đoàn giáo dục quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Công đoàn giáo dục huyện) là Công đoàn cấp trên trực tiếp Công đoàn cơ sở, tập hợp cán bộ, viên chức và lao động cơ quan phòng giáo dục, các trường học (công lập và ngoài công lập), đơn vị thuộc phòng giáo dục cấp huyện quản lý.

Công đoàn giáo dục huyện do Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Liên đoàn Lao động huyện) quyết định thành lập hoặc giải thể sau khi thống nhất với Công đoàn giáo dục tỉnh, thành phố.

Công đoàn giáo dục huyện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động huyện và sự phối hợp chỉ đạo về ngành nghề của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh, thành phố.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn giáo dục huyện:

a. Tổ chức triển khai các chủ trương công tác của Liên đoàn Lao động huyện, nghị quyết đại hội Công đoàn giáo dục tỉnh, thành phố và nghị quyết đại hội Công đoàn cấp mình.

b. Tham gia với cơ quan quản lý cùng cấp về định hướng phát triển ngành; xây dựng các mục tiêu, kế hoạch giáo dục – đào tạo và các vấn đề liên quan đến trách nhiệm, lợi ích của cán bộ, viên chức, lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, viên chức trong ngành.

c. Chỉ đạo Công đoàn cấp dưới tham gia thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích cán bộ, viên chức, lao động; tổ chức các phong trào thi đua, thực hiện các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn; tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Công đoàn và truyền thống ngành giáo dục.

d. Phối hợp với các cơ quan chức năng của cấp huyện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, viên chức, lao động trong ngành, (bao gồm cả ngoài công lập).

e. Quyết định thành lập hoặc giải thể các Công đoàn cơ sở trường học, đơn vị trực thuộc phòng giáo dục cấp huyện quản lý; phát triển đoàn viên, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.

(Trích: Điều 24 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2009)

 

 

5) Công đoàn các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Công nghệ cao, Khu Kinh tế (gọi chung là Công đoàn các Khu Công nghiệp):

Công đoàn các Khu Công nghiệp là Công đoàn cấp trên cơ sở do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo trực tiếp.

Công đoàn các Khu Công nghiệp quyết định thành lập hoặc giải thể và chỉ đạo Công đoàn cơ sở thuộc các đơn vị do địa phương thành lập, hoạt động trong các khu công nghiệp; phối hợp chỉ đạo Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty của trung ương hoạt động trong các khu công nghiệp.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn các Khu Công nghiệp:

a. Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định Điều lệ; hướng dẫn, hỗ trợ, giúp Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, tổ chức, lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật. Đại diện cho Công đoàn cơ sở hoặc người lao động khởi kiện hoặc tham gia vào quá trình tố tụng khi được Công đoàn cơ sở hoặc người lao động ủy quyền.

b. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật cho CNVCLĐ trong các Khu Công nghiệp; tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chỉ thị, nghị quyết và chủ trương công tác của Công đoàn cấp trên, nghị quyết đại hội Công đoàn cấp mình.

c.  Phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, cơ quan quản lý lao động địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật lao động; giải quyết đơn thư khiếu nại của CNVCLĐ trong các Khu Công nghiệp.

d. Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh; thực hiện công tác quản lý cán bộ Công đoàn theo phân cấp của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố.

e. Hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trung ương trong Khu Công nghiệp thực hiện các nội dung theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 32, Điều lệ này.

(Trích: Điều 27 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2009)

6) Công đoàn Tổng Công ty:

Công đoàn Tổng Công ty là Công đoàn cấp trên cơ sở tập hợp CNVCLĐ trong các cơ sở của Tổng Công ty.

Tổng Công ty do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập thì Công đoàn Tổng Công ty đó do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

Tổng Công ty do bộ, ngành trung ương quyết định thành lập thì Công đoàn Tổng Công ty đó do Công đoàn ngành trung ương thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

Tổng Công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì việc thành lập và chỉ đạo Công đoàn Tổng Công ty đó do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Tổng công ty:

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương công tác của Công đoàn cấp trên và nghị quyết đại hội Công đoàn Tổng Công ty.

b. Tham gia với hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty về quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế của Tổng Công ty, tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế, chế độ tiền lương, tiền thưởng và các quy định có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ trong Tổng Công ty.

c. Phối hợp với hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đại hội công nhân, viên chức; đại diện cho đoàn viên, CNVCLĐ ký thỏa ước lao động tập thể với Tổng Giám đốc Tổng Công ty phù hợp với các quy định của pháp luật, tham gia các hội đồng của Tổng Công ty để giải quyết các vấn đề có liên quan đến CNVCLĐ.

d. Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Tổng Công ty thực hiện các hình thức tham gia quản lý, thực hiện pháp luật lao động và Luật Công đoàn, tổ chức phong trào thi đua yêu nước; giáo dục theo đặc điểm ngành nghề, hướng dẫn công tác bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách ngành, nghề khác.

e. Quyết định thành lập hoặc giải thể các Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Tổng Công ty. Thực hiện công tác cán bộ theo sự phân cấp của Công đoàn cấp trên, chỉ đạo xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh.

f. Tiếp nhận ý kiến tham gia và chỉ đạo của các Liên đoàn Lao động địa phương, Công đoàn các Khu Công nghiệp đối với Công đoàn cơ sở, Công đoàn cơ sở thành viên của Tổng Công ty đóng tại các địa phương, hoặc Khu Công nghiệp thực hiện các nội dung nhiệm vụ quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 32 Điều lệ này.

(Trích: Điều 28 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2009)